Phú Quốc điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông đến năm 2020

  Tháng Ba 27, 2018 | 10:06 sáng

UBND tỉnh Kiên Giang điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông bền vững đảo Phú Quốc đến năm 2020, định hướng năm 2030, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của huyện đảo Phú Quốc và bảo đảm an ninh quốc phòng.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn, giao thông vận tải đảo Phú Quốc là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội cần được ưu tiên đầu tư phát triển. Việc điều chỉnh lại quy hoạch phát triển giao thông vận tải này phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội; đồng thời phù hợp với điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng cũng như các quy hoạch khác mới được phê duyệt liên quan đến phát triển đảo Phú Quốc.

Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông bền vững đảo Phú Quốc bao gồm: Đường bộ, cảng hàng không, cảng biển nhằm tăng khả năng giao lưu giữa đảo Phú Quốc với đất liền, với các đảo ở vùng biển Tây Nam và các nước trong khu vực; làm cơ sở pháp lý để triển khai các dự án đầu tư xây dựng và kêu gọi đầu tư.

Tỉnh Kiên Giang điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông bền vững đảo Phú Quốc đến năm 2020, định hướng năm 2030.

Tỉnh Kiên Giang điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông bền vững đảo Phú Quốc đến năm 2020, định hướng năm 2030.

Cụ thể, đầu tư phát triển khoảng 22 tuyến đường bộ, với tổng chiều dài hơn 255 km trên đảo đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật đường cấp III địa hình đồng bằng và đồi; đường cấp II, III, IV địa hình vùng núi; bố trí bến xe tại 2 thị trấn Dương Đông và An Thới, khu vực Suối Cái với diện tích tối thiểu 15.000 m2/bến; trạm dừng xe buýt trên các tuyến đường,…

Đồng thời, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đạt cấp 4E theo tiêu chuẩn ICAO, bảo đảm phục vụ cho các loại máy bay B777, B787, A350 hoặc tương đương; dự kiến năm 2020 sẽ đạt công suất 4-6 triệu khách/năm và 100.000 – 200.000 tấn hàng hóa/năm; tới năm 2030 sẽ đạt 15 triệu hành khách/năm và 500.000 tấn hàng hóa/năm.

Bên cạnh đó, quy hoạch hệ thống cảng biển tại 2 thị trấn Dương Đông và An Thới; các khu vực mũi Đất Đỏ, Vịnh Đầm, Bãi Vòng, Đá Chồng phục vụ tập kết hàng hóa và hành khách. Xây dựng các cảng du lịch Hòn Thơm, mũi Móng Tay, Rạch Vẹm, Bãi Trường. Xây dựng bến cảng cá và du thuyền tại những trung tâm đánh bắt hải sản như: Cửa Cạn, Hàm Ninh, Bãi Thơm, Gành Dầu, Rạch Tràm.

Được biết, tổng quỹ đất dành cho phát triển giao thông là hơn 1.745ha, chiếm 3% diện tích đất đảo Phú Quốc. Tổng vốn đầu tư đến năm 2020 khoảng 5.940 tỷ đồng và sau năm 2020 là 21.250 tỷ đồng từ các nguồn trung ương, địa phương và những nguồn hợp pháp khác.

UBND tỉnh Kiên Giang giao Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với các ngành hữu quan và huyện Phú Quốc công bố quy hoạch; lập kế hoạch đầu tư 5 năm và kế hoạch hàng năm theo quy định; tổ chức giới thiệu dự án, xúc tiến đầu tư để tạo nhiều cơ hội về nguồn vốn đầu tư các công trình giao thông trên đảo.

Ngoài ra, tỉnh Kiên Giang cũng giao Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc chịu trách nhiệm trong việc quản lý điều hành và kiểm soát việc thực hiện quy hoạch.

(Theo TTXVN)

Tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Phú Quốc:

Khu đô thị mới Bắc Dương Đông Phú Quốc

Tổng hợp các sản phẩm Bất động sản tại Đặc khu kinh tế Phú Quốc