Quản lý Không gian công cộng ven biển tại Phú Quốc – Kiên Giang

  Tháng Một 3, 2023 | 9:27 sáng

Kiên Giang là một trong 28 tỉnh, thành trong cả nước có biển, có hệ sinh thái vùng ngập mặn ven bờ và đa dạng, tài nguyên với tiềm năng đất đai, đồi núi, khoáng sản, rừng nguyên sinh, biển đảo.

Vùng biển với diện tích khoảng 63.290 km2, bờ biển dài khoảng 200km, với hơn 140 hòn đảo lớn nhỏ, có 40 hòn đảo có dân cư sinh sống, Kiên Giang nằm trong vùng vịnh Thái Lan, bờ biển trên phần đất liền của tỉnh, trải dài từ huyện An Minh đến TP Hà Tiên, qua 07 huyện, TP với chiều dài khoảng 200 km.

Đường ben biển Bãi Trường

Đường ben biển Bãi Trường

– Kiên Giang là một tỉnh ven biển, là một trong 13 tỉnh, TP thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, vị trí nằm tận cùng phía Tây Nam của Việt Nam. Lãnh thổ bao gồm phần đất liền và hải đảo, diện tích tự nhiên rộng 6.348,5 km2, dân số khoảng 1.723.067 người. Tỉnh có 15 đơn vị hành chính, gồm 03 TP và 12 huyện, trong đó TP Phú Quốc và huyện Kiên Hải thuộc vùng hải đảo. Vịnh Rạch Giá là một trong 8 vịnh chính dọc theo đường bờ biển Việt Nam. Vịnh cửa sông duy nhất của Việt Nam ở bờ biển phía Tây, diện tích khoảng 1.226km2.

– TP Phú Quốc là đô thị loại II, TP biển đảo đầu tiên của Việt Nam, nằm trên vùng biển Tây Nam Bộ, cực Nam của Tổ quốc. Hòn đảo lớn nhất Việt Nam, diện tích tự nhiên rộng 589,923 ha, dân số khoảng 179.480 người, gồm 09 đơn vị hành chính (02 phường: Dương Đông, An Thới và 07 xã: Hàm Ninh, Dương Tơ, Gành Dầu, Bãi Thơm, Cửa Dương, Cửa Cạn và xã đảo Thổ Châu).

– Hiện nay, Phú Quốc có khoảng 150km bờ biển, chiều dài các bãi cát ven biển có khả năng phát triển du lịch (bãi tắm) khoảng 48,8km được phân bố tại 18 bãi tắm công cộng. Tại đây, nhiều không gian công cộng (KGCC) ven biển đã được quan tâm, đầu tư và trở thành hình ảnh đặc trưng của Phú Quốc.

– Tuy nhiên, sự phát triển của các KGCC này còn chưa đồng đều, các khu vực tư nhân được quan tâm đầu tư nhưng có sự hạn chế cho người tiếp cận, sử dụng. Trong khi đó, các KGCC thuộc phạm vi quản lý của nhà nước lại đơn sơ, thiếu cải tạo, chỉnh trang nên bị xuống cấp và ít thu hút người dân và du khách. Thực tế là chưa có giải pháp quản lý hiệu quả để phát huy giá trị đặc trưng KGCC ven biển của TP Phú Quốc.

– Theo định hướng của Chính phủ tại Quyết định 633/QĐ-TTg ngày 11/5/2010; Quyết định 241/QĐ-TTg ngày 24/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2021-2022; Nghị quyết đại hội Đảng bộ TP Phú Quốc nhiệm kỳ 2021-2025 và Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “… đảm bảo quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hoá và văn minh đô thị là nền tảng phát triển…”

– Để hoàn thiện tiêu chuẩn sống của người dân đô thị loại II, hướng đến xây dựng TP xanh, phát triển bền vững và TP Phú Quốc đạt đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2025, việc nghiên cứu và đề xuất các giải pháp quản lý KGCC ven biển tại TP Phú Quốc là rất cần thiết.

Thực trạng công tác quản lý KGCC ven biển tại TP Phú Quốc

– Trong quá trình phát triển, Phú Quốc được Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020” năm 2004 (QĐ 178/2004/QĐ-TTg); quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc năm 2005 (quyết định 1197/QĐ-TTg), điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc năm 2010 (quyết định 633/QĐ-TTg), Điều chỉnh cục bộ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc lần 1 năm 2015 (quyết định 868/QĐ-TTg) và lần 2 năm 2021 (quyết định 486).

Bảng tổng hợp quy hoạch sử dụng đất toàn đảo sau khi điều chỉnh cục bộ lần 1 (năm 2015) và lần 2 (năm 2021)

Bảng tổng hợp quy hoạch sử dụng đất toàn đảo sau khi điều chỉnh cục bộ lần 1 (năm 2015) và lần 2 (năm 2021)

– Chính phủ thành lập Khu kinh tế Phú Quốc năm 2013 (quyết định 31/2013/QĐ-TTg); công nhận đô thị loại II năm 2014 (quyết định 1676/QD(-TTg) và thành lập TP Phú Quốc 2020 (Nghị quyết 1109/NQ-UBTVQH). Phú Quốc là 1 trong 3 TP thuộc tỉnh Kiên Giang – TP biển đảo đầu tiên của Việt Nam.

– Căn cứ các quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc tỉnh Kiên Giang đến năm 2030 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt 31 đồ án quy hoạch phân khu, diện tích 8.597ha (khoảng 77%); ban hành quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị đảo Phú Quốc; Ban quản lý khu kinh tế Phú Quốc đã phê duyệt 277 đồ án quy hoạch chi tiết, diện tích 7.878ha (khoảng 61%).

– UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt và công bố đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm trên địa bàn tỉnh Kiên Giang năm 2021 (QĐ 2043/QĐ-UBND); phê duyệt danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Kiên Giang năm 2021 (QĐ 2044/QĐ-UBND); uỷ quyền thực hiện một số nhiệm vụ cho ban quản lý khu kinh tế Phú Quốc năm 2020 (QĐ 3034/QĐ-UBND); quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BQL khu kinh tế Phú Quốc năm 2020 (QĐ 962/QĐ-UBND ngày 20/4/2020).

Bảng thống kê quy mô diện tích các bãi tắm công cộng của TP Phú Quốc

Bảng thống kê quy mô diện tích các bãi tắm công cộng của TP Phú Quốc

Trong khoảng thời gian 18 năm phát triển kể từ khi có quyết định số 178/2004/QĐ-TTg ngày 5/10/2004. TP Phú Quốc đã phát triển đúng định hướng và đã được ghi tên vào bản đồ du lịch quốc tế.

Bãi Dài Phú Quốc - bãi tắm khép kín kết hợp khu du lịch

Bãi Dài Phú Quốc – bãi tắm khép kín kết hợp khu du lịch

Thiết kế trục chính thương mại liên kết ngang với khu chợ bản địa.

Nhận diện các yếu tố đặc trưng của KGCC ven biển TP Phú Quốc

Tổng thể chung thì khu vực phía Tây là khu vực động tập trung phát triển liên hoàn các đô thị An Thới – Bãi Trường – Dương Đông – Cửa Cạn – Bãi Dài – Gành Dầu. Định hướng phát triển các đô thị nén và cao tầng. Khu vực phía Đông chủ yếu bố trí các khu du lịch, khu đô thị Hàm Ninh, khu Bãi Thơm… và phần lớn là khu vực Vườn Quốc gia Phú Quốc.

Khu vực 1: Phía Tây Nam TP Phú Quốc

Nhận diện KGCC ven biển của của khu vực này là các bãi biển kéo dài theo hướng Bắc Nam, tập trung rất nhiều các dự án của các nhà đầu tư đã hoạt động và đang chuẩn bị đầu tư. Phạm vi hành lang biển và đường giao thông công cộng (không có xe cơ giới) rộng 76m. Khu vực quảng trường biển gắn với ga cáp treo An Thới. KGCC tại khu vực này phát huy giá trị đã tạo được sự đồng thuận của các nhà đầu tư, người dân và du khách.

Khu vực 2: Phía Đông Nam TP Phú Quốc

Khu vực này định hướng phát triển các khu du lịch cao cấp và các quảng trường biển, tập trung tại Bãi Sao, Bãi Khem và khu vực Mũi Ông Đội. Quảng trường biển tại khu vực Bãi Khem đầu tư đúng theo quy hoạch chi tiết và đã phát huy tác dụng. Khu vực KGCC ven biển khu vực Mũi Ông Đội thì có sự hạn chế tiếp cận của người dân và du khách.

Khu vực 3: Phía Tây Bắc TP Phú Quốc

Khu vực này định hướng phát triển đô thị Dương Đông gắn với cảng hành khách quốc tế Dương Đông. Khu vực này KGCC ven biển chưa được đầu tư xây dựng (Chỉ có 1 quảng trường biển và một phần bãi tắm ở khu vực Dinh Cậu). KGCC ven biển tại khu vực Bãi Ông Lang, Cửa Cạn, Bãi Dài đang được chuẩn bị đầu tư và cũng có hạn chế sự tiếp cận của cộng đồng.

Phía Đông Bắc TP Phú Quốc

Khu vực này KGCC ven biển gắn liền với không gian Vườn quốc gia và khu vực bảo tồn biển, đây là yếu tố rất đặc trưng của khu vực này. Không gian các bãi biển và độ dốc rất thoãi nhẹ về phía Đông và đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Đề xuất giải pháp quản lý KGCC ven biển tại TP Phú Quốc

Tác giả tập trung đề xuất các nguồn lực thực hiện.

1. Nguồn lực về cơ chế chính sách: Trên cơ sở các yếu tố đặc thù, TP Phú Quốc đã và đang triển khai thực hiện thông qua các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu. TP Phú Quốc tập trung hoàn thiện các quy hoạch chi tiết các khu vực KGCC (trong đó lồng ghép các các cơ chế về đất đai, tài chính, thẩm quyền…) làm cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện.

2. Nguồn lực về nguồn vốn đầu tư: UBND TP Phú Quốc cần bố trí vốn để đầu tư các hạng mục chính của KGCC ven biển và cần có cơ chế phối với các nguồn vốn ngoài xã hội để thực hiện. Theo báo cáo thì tỷ lệ thu hút nguồn vốn ngoài xã hội so với nguồn vốn từ ngân sách là 1 vốn ngân sách thì thu hút được 29 vốn ngoài ngân sách.

3. Nguồn lực về trí thức: Tổ chức các hội thảo khoa học về KGCC, lấy ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia… lắng nghe và tiếp thu các định hướng mới về phát triển KGCC ven biển; tổ chức thi tuyển phương thiết kế để chọn phương án tốt nhất, có tính đặc trưng tiêu biểu của từng KGCC ven biển. Đây là yếu tố nền tảng để TP Phú Quốc có những KGCC ven biển tốt nhất để phục vụ cộng đồng dân cư.
Nguồn lực về các điều kiện tự nhiên: Trên cơ sở lợi thế cạnh tranh của các KGCC ven biển của TP Phú Quốc, tập trung phát huy cao nhất cho yếu tố đặc trưng tiêu biểu nhằm tạo nên sự đa dạng cho KGCC ven biển, gắn liền với văn hoá biển vùng Tây Nam Bộ.

4. Nguồn lực từ các quy hoạch: Hoàn thiện các quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất; đề xuất các cơ chế đặc thù vào trong các quy hoạch để làm cơ sở thực hiện; thực hiện đầu tư và kêu gọi đầu tư; quy hoạch là công cụ là cơ chế để tạo ra nguồn lực thực hiện.

Phú Quốc trong quá trình phát triển hướng đến đạt đô thị loại I trực thuộc tỉnh Kiên Giang trước năm 2025. Sự thiếu hụt cũng như hạn chế tiếp cận của người dân và du khách tới các KGCC ven biển đã được nhận thấy rõ ràng. Đánh giá thực trạng quản lý, học tập kinh nghiệm, nhận diện và đề xuất giải pháp quản lý KGCC ven biển – Hướng tới xây dựng TP Phú Quốc phát triển bền vững trong tương lai.

Hà Văn Thanh Khương
Giám đốc Sở Xây dựng Kiên Giang

Theo moitruongvadothi.vn