Vingroup đã chi bao nhiêu cho dự án Khu đô thị mới tại Đông Anh
Tháng mười 23, 2024 | 11:01 chiều
Tính đến ngày 30/9/2024, VEF- công ty con của Vingroup, ghi nhận chi phí liên quan đến việc thực hiện đầu tư Dự án Khu đô thị mới tại huyện Đông Anh gần 21.892 tỷ đồng, tăng gần 20.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Mới đây, Công ty CP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (MCK: VEF) đã công bố BCTC quý III/2024 với nhiều chỉ số đáng chú ý.
Theo đó, trong kỳ, doanh thu thuần về cung cấp dịch vụ ở mức gần 4 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 247 triệu đồng cùng kỳ năm trước do ghi nhận doanh thu hoạt động hội chợ, triển lãm hơn 3,7 tỷ đồng.
Trong khi đó, giá vốn lại được tiết giảm khiến lợi nhuận gộp ở mức 773 triệu đồng, cải thiện đáng kể so với khoản lỗ gần 3,3 tỷ đồng quý III/2023.
Doanh thu hoạt động tài chính (toàn bộ là lãi từ cho vay, đầu tư) giảm 14,1%, về mức 129 tỷ đồng. Chi phí tài chính 11,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước không ghi nhận khoản này. Chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng so với quý III/2023, lần lượt ở mức 256 triệu và 4,2 tỷ đồng.
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm từ 145,5 tỷ đồng về 114,1 tỷ đồng. VEF ghi nhận chi phí khác gần 7,9 tỷ đồng, lỗ khác 7,9 tỷ đồng trong khi những chỉ số này cùng kỳ năm trước chỉ ở mức 2,6 triệu đồng.
Khấu trừ các khoản thuế, phí, doanh nghiệp báo lãi ròng 84,6 tỷ đồng, giảm 27,3% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của VEF ở mức hơn 4,5 tỷ đồng, tăng 60,7%; tuy nhiên lãi ròng lại giảm 23,1%, về 264,4 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/9/2024, tổng cộng nguồn vốn doanh nghiệp 35.582 tỷ đồng, gấp 3,63 lần so với thời điểm đầu năm. Hầu hết là tài sản ngắn hạn 33.752,6 tỷ đồng; trong đó, khoản phải thu ngắn hạn ở mức 11.576,5 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với đầu năm.
Hàng tồn kho cũng tăng mạnh từ 1.265,9 tỷ đồng lên 21.891,8 tỷ đồng. Theo thuyết minh, đây là các khoản chi phí liên quan đến việc thực hiện đầu tư Dự án Khu đô thị mới tại huyện Đông Anh (TP.Hà Nội), chủ yếu là tiền đất phải nộp theo các thông báo nộp tiền đất của cơ quan quản lý Nhà nước.
Cũng theo BCTC quý III/2024, tính đến ngày 30/9/2024, VEF ghi nhận chi phí xây dựng cơ bản dở dang 1.828,9 tỷ đồng, trong đó: Dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại dịch vụ tại Ba Đỉnh (Hà Nội) 150,9 tỷ đồng; Dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia 829,2 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Đông Anh 833,4 tỷ đồng và Dự án Khu Chức năng Đô thị Nam đại lộ Thăng Long 15,4 tỷ đồng.
Về cơ cấu nợ, cuối quý II/2024, nợ phải trả hầu như đều là nợ ngắn hạn hơn 32.241,4 tỷ đồng. Trong đó, phải trả ngắn hạn khác tăng gấp 2,3 lần lên hơn 14.000 tỷ đồng, tuy nhiên, báo cáo không thuyết minh nguồn gốc khoản phải trả này.
VEF còn ghi nhận khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn 12.168,5 tỷ đồng trong khi thời điểm đầu năm chỉ vỏn vẹn 43 triệu đồng. Tại thời điểm, khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn cũng chỉ ở mức 402 triệu đồng; như vậy, riêng trong 3 tháng quý III/2024, giá trị khoản mục này đạt gần 12.000 tỷ đồng.
Đây cũng là thời điểm dự án Vinhomes Cổ Loa tại Đông Anh, Hà Nội (tên thương mại là Vinhomes Global Gate) chính thức được mở bán.
Được biết, dự án khu đô thị mới Vinhomes Global Gate do VEF hợp tác cùng CTCP Vinhomes thực hiện, trong đó VEF sẽ được hưởng 95% toàn bộ lợi ích thu được từ dự án và Vinhomes được hưởng 5%.
Ngoài Vinhomes Global Gate, VEF còn là chủ đầu tư Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia – dự án trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, thay thế cho Trung tâm triển lãm cũ tại Giảng Võ. Dự án này có tổng quy mô lên tới 90ha, thuộc Top 10 trung tâm triển lãm lớn nhất thế giới, được dự báo sẽ là “kỳ quan mới” của Thủ Đô.
Tính đến ngày 30/9/2024, vốn chủ sở hữu của VEF là 1.666 tỷ đồng; trong đó, Tập đoàn Vingroup nắm giữ đến hơn 83,3% vốn doanh nghiệp, Bộ VH-TT&DL sở hữu 10% và gần 6,7% còn lại do các cổ đông khác nắm giữ.
Theo https://cafef.vn/