Hà Tiên nhiều cơ hội phát triển sau khi lên thành phố
Tháng Mười Một 3, 2018 | 11:33 chiều
Sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, từ ngày 1-11-2018, thị xã Hà Tiên chính thức trở thành thành phố thuộc tỉnh Kiên Giang với các đơn vị hành chính cấp phường, xã không thay đổi.
Ngày 3.11, tại Quảng trường Chiêu Anh Các, TP.Hà Tiên, UBND tỉnh Kiên Giang long trọng tổ chức Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập phường Mỹ Đức và thành phố Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang, gắn với kỷ niệm 20 năm thành lập thị xã Hà Tiên.
Đây là sự kiện trọng đại của người dân Hà Tiên và cũng là dịp nhìn lại chặng đường 20 năm hình thành và phát triển của đô thị ven biển, giáp biên, sầm uất bậc nhất miền Tây Nam bộ.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thay mặt Ủy Ban Thường vụ Quốc hội chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang nói chung và Hà Tiên nói riêng.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, sau 20 năm tập trung đầu tư và phát triển, Hà Tiên đã có nhiều chuyển biến rõ nét, kinh tế đạt mức tăng trưởng cao và ổn định. Với các thành tựu phát triển toàn diện đó, thị xã Hà Tiên đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ nhất trí cao thông qua việc thành lập thành phố Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang.
Được biết từ năm 1998, Hà Tiên được công nhận là thị xã với các các phường Đông Hồ, Tô Châu, Pháo Đài, Bình San, Thuận Yên và xã biên giới Mỹ Đức, xã đảo Tiên Hải (cụm đảo Hải Tặc).
TP Hà Tiên hiện có diện tích khoảng 179 km2 và dân số là 80.215 người..
Hà Tiên nằm ở vùng cực Tây Nam Tổ quốc, nhiều danh lam thắng cảnh, có nhiều cụm đảo, bờ biển… là điều kiện rất thuận lợi để phát triển ngành “công nghiệp không khói”.
Theo số liệu từ ngành du lịch, năm 2017 nơi đây đón gần 2,4 triệu lượt khách đến tham quan du lịch, trong đó riêng khu du dịch cụm đảo Hải Tặc đón hơn 68,3 nghìn lượt khách đến tham quan, tổng doanh thu đạt hơn 1.300 tỉ đồng.
Chín tháng đầu năm 2018, lượng khách nước ngoài đến Hà Tiên tăng 2,55% so với cùng kỳ. Hiện Hà Tiên có 174 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 27 khách sạn (các loại), 41 nhà nghỉ…
Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch, giao thông, cơ sở lưu trú phục vụ du lịch được đầu tư nâng cấp, mở rộng tạo ra bước phát triển mới về du lịch. Năm 2017, xã Tiên Hải được công nhận là khu du lịch địa phương góp phần thu hút khách du lịch đóng góp vào sự phát triển chung ngành du lịch của địa phương. Ngày 26-10-2018, Thị ủy Hà Tiên cũng đã đề ra Chương trình hành động cụ thể về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng 2030.
Nhằm chào mừng sự kiện Hà Tiên trở thành TP, tỉnh Kiên Giang phối hợp với các tổ chức du lịch, truyền thông tổ chức “Hội thảo quảng bá du lịch trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”.
Qua đó, nhiều tham luận của các diễn giả là các chuyên gia hàng đầu về du lịch và truyền thông, chia sẻ kinh nghiệm cũng như phương thức quảng bá du lịch trong thời buổi công nghệ 4.0, góp phần giúp ngành du lịch Hà Tiên phát triển xứng tầm với tiềm năng đang có.
Trong khuôn khổ sự kiện này, từ ngày 30-10 đến 3-11, UBND TP Hà Tiên đã tổ chức nhiều hoạt động như: Triễn Lãm ảnh với chủ đề “Hà Tiên – 20 năm xây dựng và phát triển”, giới thiệu quảng bá du lịch Hà Tiên, trưng bày sản phẩm nông – lâm ngư nghiệp Hà Tiên, Hội thi ẩm thực, hoạt động văn hóa văn nghệ đường phố….
Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Tiên, cho biết Hà Tiên là một trong bốn vùng du lịch trọng điểm của tỉnh là Phú Quốc, Hà Tiên – Kiên Lương, Rạch Giá và vùng phụ cận (Hòn Đất – Kiên Hải, U Minh Thượng). Nơi đây ngày càng được nhiều du khách trong, ngoài tỉnh cũng như ngoài nước biết đến.
“Hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch, giao thông, cơ sở lưu trú phục vụ du lịch được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Vì vậy, bên cạnh phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có về điều kiện tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên, Hà Tiên đang tập trung đầu tư, xây dựng phát triển ngành thương mại – dịch vụ du lịch và xem đó là ngành kinh tế mũi nhọn để đầu tư phát triển trong thời gian tới” – ông Nhàn chia sẻ.
(Theo PLO)