Trước khi Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế, hàng trăm nhà đầu tư đã đến đảo ngọc này để lập 278 dự án đầu tư tại các khu quy hoạch với diện tích đất lên đến 10.676 ha, số vốn rót vào đảo ước khoảng 361.054 tỷ đồng. Hiện, có trên 240 dự án được Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc cấp giấy chứng nhận đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư trên diện tích 8.809 ha (tổng vốn đăng ký 263.491 tỷ đồng), còn trên 30 dự án đang hoàn thiện thủ tục.
Ai đang sở hữu đất vàng ở Phú Quốc?
Tháng Sáu 18, 2018 | 3:29 chiều
Ít nhất 10 doanh nghiệp lớn đang nắm giữ khoảng 2.200 ha đất vàng có các bãi tắm cực đẹp ở Phú Quốc. Nhà đầu tư đang xây dựng biệt thự, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, trong 278 dự án ở huyện đảo có 215 dự án phát triển du lịch (7.894 ha, vốn 302.767 tỷ đồng), 23 dự án dân cư đô thị (1.210 ha, vốn 31.501 tỷ đồng); còn lại là dự án nông nghiệp, dịch vụ công cộng, thuê môi trường rừng…
Theo số liệu từ Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc và lãnh đạo các xã ở đảo cung cấp, những ông chủ lớn của các khu đất vàng, sở hữu những bãi biển đẹp hoặc có đất hướng biển ở xã Gành Dầu, Cửa Cạn, Cửa Dương, Hàm Ninh, Dương Tơ và thị trấn An Thới.
Vingroup có hơn 1.200 ha
Ở phía bắc đảo là xã Gành Dầu có Tập đoàn Vingroup nắm giữ trên 300 ha đất dọc theo Bãi Dài. Khu vực này nhà đầu tư xây dựng Vinpearl land, bệnh viện, khu nông nghiệp công nghệ cao, biệt thự nghỉ dưỡng ven biển, sân golf, casino… Ngoài ra, Vingroup còn 500 ha đất của Vườn Quốc gia Phú Quốc cho thuê bên phía Vinpearl Safari.
Cạnh Vingroup là Grand World (LDG Group) có 85 ha đất chạy dài từ đường Gành Dầu – Cửa Cạn xuống biển Bãi Dài. Nhà đầu tư giới thiệu đây là khu biệt thự nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao, nhưng triển khai nhiều năm mà bên trong chỉ có những căn nhà thô vắng người.
Theo một cán bộ Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, khách du lịch nhìn vào dự án của Grand World thường nói rằng nhà đầu tư “làm chơi cho vui”.
Ngược về phía Rạch Vẹm của xã Gành Dầu, nơi có eo biển được Công ty Hoàn Cầu xây dựng dự án trên 70 ha đất.
Ông Phạm Hữu Kiệt, Phó chủ tịch UBND xã Gành Dầu, cho biết doanh nghiệp này đầu tư dự án khu vườn tổng hợp nuôi trồng thủy sản kỹ thuật cao biển đảo Phú Quốc. Công ty có vốn 100% nước ngoài, công trình đang thi công tại Phú Quốc là khu nuôi trồng thủy hải sản, resort, nhà hàng và khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Trên 40 dự án ở Bãi Trường
Chiều 6/6, phóng viên gặp ông Nguyễn Thống Nhất, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc. Dù ở một mình trong phòng làm việc nhưng ông Nhất không trả lời một số vấn đề phóng viên đề cập đến quy hoạch và các dự án ở đảo ngọc.
Ông Nhất sau đó nói rằng “nhức đầu” vì báo chí cứ tìm, rồi mời khách ra ngoài. Phóng viên quan sát trong phòng làm việc của ông Nhất có một bản đồ phân ranh về các dự án tại Bãi Trường của xã Dương Tơ. Chúng tôi đặt vấn đề xin bản đồ quy hoạch này nhưng ông Nhất không đồng ý.
Theo một cán bộ có trách nhiệm của Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc thì bảng đồ phân ranh trong phòng trưởng ban có trên 40 dự án ở Bãi Trường. Hàng chục doanh nghiệp đang có đất trên khu vực bãi biển dài khoảng 18 km từ Cửa Lấp của xã Dương Tơ chạy dài gần đến thị trấn An Thới.
Tại xã Dương Tơ hiện có những nhà đầu tư lớn tại Bãi Trường, là Công ty Lan Anh (20 ha), CEO Group (trên 80 ha), BIM Group (100 ha)… Các nhà đầu tư lớn ở đây đang xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự biển…
“Bầu trời kiệt tác” ở mũi Ông Đội
Nơi đẹp nhất ở phía nam đảo ngọc Phú Quốc là bãi Khem (có người gọi là bãi Kem) và mũi Ông Đội, đang thuộc sự quản lý của Sun Group. Ngoài hệ thống cáp treo Hòn Thơm dài nhất thế giới, tập đoàn này còn có trên 100 ha đất vàng ở An Thới, đang dần hình thành các khu nghỉ dưỡng cao cấp, mỗi căn được rao bán hàng chục tỷ đồng.
Mũi Ông Đội ở An Thới được Sun Group đầu tư khu nghỉ dưỡng cao cấp với trên 50 căn biệt thự. Nơi đây còn được gọi là “bầu trời kiệt tác” có một không hai ở đảo ngọc.
Rời An Thới đi về thị trấn Dương Đông là “chạm” xã Hàm Ninh có khoảng 110 ha mà một doanh nghiệp đang sở hữu của Trường Trung cấp Việt – Hàn Phú Quốc (8,4 ha), còn lại là khu phức hợp rộng hơn 100 ha.
Tại làng chài lớn nhất Phú Quốc này còn có sự hiện diện của Vingroup, khi địa phương đã công bố quy hoạch khu đất 472 ha gồm sân golf (gần 100 ha) và khu phức hợp. Công ty cổ phần Hòa Bình Hàm Ninh cũng được công bố quy hoạch hơn 140 ha bên cạnh.
“Ba dự án lớn này thì có Trường Trung cấp Việt – Hàn là đã xây dựng, còn lại chỉ mới công bố quy hoạch. Công ty Hòa Bình Hàm Ninh có hơn 140 ha nhưng hơn một nửa là làm cảng nước sâu. Còn Vingroup, sau khi Thanh tra Bộ Tài nguyên – Môi trường vào thì cắt gần 100 ha sân golf, còn lại trên 327 ha”, ông Đỗ Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh nói.
Gần với thị trấn Dương Đông là hai xã Cửa Dương và Cửa Cạn cũng có nhiều dự án lớn. Ở xã Cửa Dương, khu vực bãi biển Ông Lang có Sài Gòn Sovico Phú Quốc được quy hoạch 205 ha. Trong đó sân golf khoảng 100 ha, còn lại là khu du lịch sinh thái biển.
Tại xã Cửa Cạn, Công ty Lan Anh có 100 ha để làm dịch vụ du lịch và một phần dự án đang được đưa vào khai thác. Riêng dự án du lịch nghỉ dưỡng của Công ty Hải Lưu đang “treo” 10 năm qua.
Tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Phú Quốc:
Khu đô thị mới Bắc Dương Đông Phú Quốc
Tổng hợp các sản phẩm Bất động sản tại Đặc khu kinh tế Phú Quốc