Đề xuất tiêm vắc xin cho người dân Phú Quốc, đón khách quốc tế: Cơ hội hồi sinh ngành du lịch

  Tháng Sáu 22, 2021 | 5:36 chiều

Tỉnh Kiên Giang đang xây dựng phương án, kịch bản cụ thể trình Chính phủ hỗ trợ nguồn vắc xin để tiêm ngừa COVID-19 cho người dân TP Phú Quốc. Do nơi đây được đề xuất thí điểm áp dụng “hộ chiếu vắc xin” để đón du khách nước ngoài, nhằm tiến tới hồi sinh ngành du lịch.

Bức tranh ngành du lịch ảm đạm giữa “bão” COVID-19

Từ đầu năm 2020 đến nay, ngành du lịch Việt Nam bị thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy lượng khách quốc tế sụt giảm nghiêm trọng so với trước khi dịch bệnh xuất hiện, kéo theo đó là doanh thu du lịch lữ hành cũng rơi vào tình cảnh ảm đạm chưa từng thấy.

Bước sang năm 2021, tình hình không mấy khả quan hơn khi Việt Nam liên tiếp phải đối mặt hai làn sóng COVID-19.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam do dịch COVID-19.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam do dịch COVID-19.

Doanh thu dịch vụ lữ hành từ đầu dịch đến nay.

Doanh thu dịch vụ lữ hành từ đầu dịch đến nay.

Theo phản ánh mới nhất của Hiệp hội du lịch Việt Nam (VITA), hiện có đến 90% doanh nghiệp không hoạt động, khoảng 10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ làm dịch vụ đại lý tour, đại lý vé phần lớn cho nghỉ việc 100% lao động. Doanh nghiệp lữ hành quốc tế cho 60-90% nhân sự nghỉ việc.

Việc chưa thể mở cửa lại bầu trời do tình hình dịch trên thế giới và tại Việt Nam vẫn diến biến khó lường là nguyên nhân chính khiến ngành du lịch càng thêm “kiệt quệ”.

Đề xuất tiêm vắc xin cho toàn bộ người dân Phú Quốc, nghiên cứu thí điểm áp dụng “hộ chiếu vắc xin”
Trước thực trạng đó, việc nghiên cứu áp dụng “hộ chiếu vắc xin” (chứng nhận đã tiêm đủ số mũi vắc xin theo quy định của nhà sản xuất, cơ quan quản lý nhà nước) được kỳ vọng sẽ giúp mở cửa lại bầu trời, hồi sinh ngành du lịch.

Kết luận mới đây của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế – xã hội có đề cập đến nội dung đáng chú ý là nghiên cứu cho thí điểm sử dụng “hộ chiếu vắc xin” với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc (Kiên Giang).

Trước đó hồi giữa tháng 4 khi chưa bùng phát làn sóng COVID-19 mới, Phú Quốc cũng đề xuất cho thí điểm áp dụng hộ chiếu vắc xin với khách lưu trú ngắn ngày, chỉ chơi golf, nghỉ dưỡng, không di chuyển.

Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu cho thí điểm "hộ chiếu vắc xin" với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Premier Village Phú Quốc).

Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu cho thí điểm “hộ chiếu vắc xin” với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Premier Village Phú Quốc).

Liên quan đến vấn đề này, hôm 17/6, ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết với báo Thanh niên, tỉnh đang xây dựng phương án, kịch bản cụ thể trình Chính phủ hỗ trợ nguồn vắc xin để tiêm ngừa COVID-19 cho người dân toàn tỉnh. Trước mắt tiêm cho toàn bộ người dân TP Phú Quốc.

Ông Thành cho hay Phú Quốc được ưu tiên hàng đầu do đây là địa phương được Bộ Chính trị đồng ý cho nghiên cứu để thực hiện thí điểm hộ chiếu vắc xin với khách quốc tế. Theo phương án, Kiên Giang cần khoảng 2 triệu liều vắc xin, trong đó Phú Quốc khoảng 200.000 liều.

Chuyên gia nói gì?

Trao đổi với người viết, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết ông ủng hộ đề xuất trên.

“Nếu mở cửa du lịch đón khách quốc tế, việc tiêm vắc xin cho người dân Phú Quốc, nhân viên của các công ty lữ hành sẽ hạn chế được lây lan COVID-19 ở đảo”, ông nói.

Còn TS. Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng “tiêm vắc xin cho người dân Phú Quốc có lẽ sẽ không ngăn chặn được vấn đề lây lan dịch COVID-19”.

“Phải tạo ra được miễn dịch cộng đồng, tức là 70% – 80% người dân được chích ngừa. Còn nếu bây giờ chỉ có người dân Phú Quốc tiêm thì có lẽ chỉ ngăn ngừa việc lây lan ở đảo”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Ông Hiếu cũng nêu ra vấn đề nếu người dân Phú Quốc đi đến các địa phương khác và ngược lại, người dân tỉnh thành khác đến Phú Quốc, khi đó việc chủng ngừa cho người dân TP này sẽ không còn là giải pháp phù hợp.

“Ngoài ra, nếu áp dụng hộ chiếu vắc xin dành riêng cho Phú Quốc, tức là du khách đến đây và họ không thể đi chỗ khác được. Điều này cũng làm trở ngại cho các du khách nước ngoài”, ông Hiếu nêu quan điểm.

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng cho rằng nếu thí điểm thành công, khách đến Phú Quốc đông đảo sẽ góp phần hồi phục ngành du lịch, nền kinh tế cũng được hưởng lợi. Ông khuyến nghị chính sách nên mang tính đại trà, áp dụng cho các điểm du lịch nổi tiếng chứ không chỉ riêng Phú Quốc.

Hiện trong khu vực Đông Nam Á, có Thái Lan và Indonesia cũng đang nỗ lực thúc đẩy quá trình mở cửa du lịch.

Tại Thái Lan, Phuket đang khẩn trương tiêm vắc xin cho nhiều người nhất có thể. Nếu 70% dân số được tiêm phòng trước ngày 1/7, Phuket sẽ là điểm du lịch đầu tiên tại Thái Lan mở cửa trở lại đón du khách quốc tế.

Với chương trình có tên “Phuket Sandbox” (khách du lịch sẽ ở các khách sạn đặc biệt, nơi 70% nhân viên đã được chứng nhận tiêm vắc xin), Phuket được hy vọng sẽ trở thành hình mẫu cho cả nước cũng như các điểm du lịch khác của châu Á khi nới lỏng các hạn chế từ ngày 1/7.

Còn với Indonesia, nước này đặt mục tiêu tiêm chủng cho 3 triệu người ở Bali, và khoảng 70.000 người ở Batam và Bintan trước khi chính thức mở cửa đón khách quốc tế. Tính đến cuối tháng 4 Indonesia đã tiêm vắc xin cho hơn 10,6 triệu người – nhiều nhất Đông Nam Á. Quốc gia này cho biết dự tính đón khách quốc tế đến Bali từ cuối tháng 7 tới đây.

Theo https://vietnambiz.vn/